Đó là những lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quân và dân Thanh Hóa với những đóng góp to lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ trong lần Bác về thăm Thanh Hóa ngày 16/3/1957.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa triển lãm ảnh và tư liệu “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoàn 1945 - 1975” với hơn 400 tài liệu, hiện vật, tư liệu… được trưng bày những ngày qua đã thể hiện đầy đủ và sinh động về những đóng góp, công lao to lớn của quân và dân Thanh Hóa trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ Quốc.
Đặc biệt, những tư liệu quý giá là những hình ảnh, hiện vật, tài liệu… về những đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa đối với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Thanh Hóa là địa phương đã thể hiện rõ vai trò to lớn, hậu phương chiến lược, cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu về sức người, sức của.
Việc vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ là vấn đề khó khăn và gian khổ nhất. Vì khoảng cách địa lí từ hậu phương ra tiền tuyến khá xa xôi, cộng với địa hình hiểm trở của vùng rừng núi, khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, để đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết để đánh thắng thực dân Pháp, hơn 12 vạn dân công dài hạn và trên 76 nghìn dân công ngắn hạn của Thanh Hóa đã được huy động đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, với phương tiện vận chuyển “chuyên dụng” nhất là chiếc xe đạp thồ.
Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa đã huy động số lượng phương tiện lớn nhất trong cả nước với 11.200/20.000 xe đạp thồ, 1.300 chiếc thuyền các loại. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.352 tấn gạo và 100 tấn thực phẩm. Đợt 2, đầu tháng 3/1954, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22, đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày.
Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi, đến Sơn La, vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới đích. Những người nông dân ở nhiều vùng quê trong tỉnh đã không ngại gian khổ hy sinh, tự nguyện tham gia phục vụ kháng chiến.
So với một dân công chỉ gánh được khoảng 25kg lương thực một lần, thì những chiếc xe đạp thồ được coi là những chú “ngựa sắt” với sức chở gấp 7 - 8 lần. Kỷ lục vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ phải kể đến dân công Trịnh Ngọc, người ở thị xã Thanh Hóa với 345,5kg/chuyến. Hình ảnh đó đã được trưng bày tại triển lãm khiến nhiều người phải thán phục về những đóng góp từ chiếc xe đạp thồ này và chủ nhân của nó. Hay dân công Cao Văn Tỵ, người vận chuyển thường xuyên 320kg lương thực/chuyến…
Bên cạnh hiện vật về những đóng góp của tỉnh Thanh Hóa cho chiến thắng Điện Biên Phủ, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh gian khổ của quân dân Thanh Hóa cùng cả nước đánh thắng hai Đế quốc ngoại xâm Pháp và Mỹ từ năm 1945.
Thái Bá